Thấu hiểu tâm lý và 04 ứng dụng Đắc Nhân Tâm để giải quyết mâu thuẫn, xung đột

Trong cuộc sống, không bao giờ chúng ta có thể tránh khỏi việc bất đồng quan điểm. Tuy nhiên, có những khi việc bất đồng quan điểm lại diễn ra theo hướng cực đoan, dẫn đến việc nảy sinh cãi vã, mâu thuẫn, từ đó dẫn đến việc đôi khi chúng ta ghét nhau hoặc đánh mất đi cả mối quan hệ.

thau-hieu-tam-ly-giai-quyet-mau-thuan

Thấu hiểu tâm lý sẽ giúp bạn bớt được điều này rất nhiều, từ đó biết cách vận dụng kĩ năng ĐẮC NHÂN TÂM để có thể giải quyết được các xung đột, mâu thuẫn khiến cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn nhiều.

Tâm lý CHIẾN hoặc BIẾN

Về mặt tâm lý, khi một xung đột diễn ra, con người ta sẽ phản ứng một trong hai cơ chế, đó là chiến hoặc biến: tức là chiến đấu đến cùng hoặc bỏ chạy. Không phải tự nhiên mà xuất hiện tâm lý này. Nguồn gốc là từ xa xưa, thế hệ cha ông ta sinh sống bằng việc săn bắt hái lượm, lúc đi săn sẽ phải chiến đấu để hạ gục con thú. Tuy nhiên, đối với thú dữ, chẳng hạn hổ, báo, cọp, sư tử,.. nếu lao vào chiến thì chắc chắn là đâm đầu vào chỗ chết, từ đó loài người thích nghi với nguyên lý: bỏ chạy để tồn tại, tức “biến”. Dần dần, nó trở thành tâm lý con người.

Ứng dụng nó trong các tình huống tranh cãi, xung đột. Đôi khi, chỉ là một bất đồng quan điểm nhỏ, thế nhưng có thể vì thiếu kĩ năng giao tiếp, ứng xử hay thấu hiểu tâm lý (Gọi chung theo cách mà ông bà ta hay nói đó là ĐẮC NHÂN TÂM)… và đặc biệt là thiếu khả năng làm chủ cảm xúc, từ đó dẫn đến mâu thuẫn lớn. Một khi đã mất khả năng làm chủ cảm xúc và làm chủ bản thân, tâm lý con người lúc đó chuyển sang trạng thái: chiến đấu đến cùng để bảo vệ quan điểm của mình (hay thực chất là để chứng minh mình đúng). Trong trường hợp không chiến đấu được, thì bỏ cuộc. Ví dụ không mấy xa lạ là khi con và bố mẹ bất đồng quan điểm, có những trường hợp bố mẹ áp đặt quan điểm con cái, và dùng “quyền lực làm cha mẹ”, sau đó con cái bỏ cuộc và chui vào phòng đóng cửa lại, không nói gì nữa. Hoặc ngược lại, có những trường hợp bố mẹ giận con quá không nói gì nữa.

Khi xung đột xảy ra, trong trường hợp chúng ta tìm đủ mọi cách để chứng minh mình đúng (tức chiến đến cùng) thì rõ ràng: nóng giận mất khôn, cảm xúc là kẻ thù số một của thành công. Ngay cả khi chúng ta chứng minh được người ta thua cuộc (ngay cả khi họ sai) thì sau xung đột, lúc họ bỏ cuộc (biến), họ vẫn không thỏa mãn. Khi chúng ta bị người khác chứng minh mình sai, thông thường về tâm lý người đó sẽ đi than phiền, kể lể cho người thân của họ. Cho nên, kết quả của mọi cuộc xung đột, cho dù ta “thắng” hay ta “thua” đều là kết quả không tốt. Cái này có thể thấy trong xung đột bố mẹ – con cái; vợ chồng, thầy – trò, đồng nghiệp,… Như vậy, cần một tư duy mới và hiểu biết tâm lý về vấn đề xung đột, tranh luận.

Điều quan trọng không phải AI ĐÚNG AI SAI mà là CÁI GÌ ĐÚNG – Giải pháp dài hạn: Thấu hiểu tâm lý con người, kĩ năng đắc nhân tâm tốt, giỏi Critical Thinking

Dĩ nhiên, ở đây là mặt thực trạng chứ không phải tất cả. Nếu chúng ta thấu hiểu tâm lý và kĩ năng đắc nhân tâm tốt, khi tranh luận thì chúng ta sẽ không để cảm xúc lấn át con người mình, chúng ta sẽ không muốn tìm mọi cách để chứng minh rằng quan điểm mình đúng, đó chỉ là một điều nói lên rằng cái tôi quá lớn. Cho nên, quan trọng không phải là ai đúng ai sai mà là cái gì đúng. Trường học không dạy cho chúng ta nhiều về Critical Thinking (Không biết có nên dịch là tư duy phản biện không nữa vì phản biện cứ nghe như kiểu là đưa ra một thứ khác để đối lập lại trong khi Critical Thinking là đưa ra những góc nhìn khác – lẽ nào dịch là tư duy góc nhìn khác) mà trường học dạy cho chúng ta về cuộc đua điểm số, điều chỉ khiến con người ta trở nên muốn cạnh tranh và khẳng định mình. Nếu có được một tư duy rõ ràng về cái gì đúng, cái gì sai thì chúng ta sẽ bớt được tâm lý chỉ muốn chứng minh mình đúng, và dám nhận nếu mình sai. Khi bạn dám nhận mình sai trong trường hợp bạn sai, đó không phải là bạn kém cỏi, mà nó thể hiện bạn là một người văn minh, lịch sự và hơn hết, đó là cách hành xử thông minh giúp bạn không sai lần sau nữa và khiến người ta tôn trọng bạn. Như thế, ngay cả khi có tranh luận thì đó cũng là một sự tranh luận trong lịch sự, trong văn minh và trong bầu không khí yên bình.

Làm gì nếu xung đột xảy ra cao trào?

Tốt hơn hết là IM LẶNG. Giống như một sợi thừng đang bị xoắn chặt, bạn không thể gỡ rối bằng cách siết nó thật mạnh. Cách tốt nhất để bạn gỡ sợi dây ra là đừng làm gì cả, để nó tự thả ra. Khi xung đột ở cao trào, cả hai cùng mất bình tĩnh, vậy thì IM LẶNG và không phản ứng gì cả là cách tốt để cho cả hai bình tĩnh trở lại. Khi bình tĩnh trở lại, ta dễ nhìn vấn đề ở cách khách quan hơn, cũng như nhìn ra được cái gì đúng, cái gì sai. Ngoài ra thì một số phương pháp để giúp làm chủ cảm xúc cũng có thể coi là hữu hiệu. Hãy tránh ra khỏi khu vực xung đột một lúc, tìm một nơi để hít thở sâu (nhiều người còn thực hiện thiền định). Mang theo người một chai nước lọc để uống. Không tìm đến đồ uống có cồn. Lý do là như này: bộ não con người chỉ nặng từ 1,2-1,5 kg, bằng khoảng 2-3% so với khối lượng cơ thể người – thế nhưng lượng oxy nó cần lại lên đến 40% lượng oxy toàn cơ thể. Là bởi vì bộ não cần rất nhiều oxy để thực hiện các chức năng quan trọng như làm chủ cảm xúc, tỉnh táo, bình tĩnh, chống căng thẳng, giảm stress,.. Khi hít thở sâu hay uống nước, điều đó giúp tăng lượng oxy lưu thông lên não, từ đó con người ta bình tĩnh và khôn ngoan hơn. Cho nên cách tốt nhất để phản ứng trong trường hợp xung đột xảy ra cao trào là không phản ứng gì cả.

Kỹ năng ĐẮC NHÂN TÂM để giải quyết xung đột và đừng để xung đột xảy ra – Giải pháp ngắn hạn: các kỹ năng đắc nhân tâm ứng dụng tâm lý cơ bản

Ở trên đã đề cập đến vấn đề, trong cuộc sống không thể tránh khỏi việc xảy ra tranh luận. Và giải pháp lâu dài là chúng ta cần hướng đến một thế hệ có kỹ năng thấu hiểu tâm lý, giỏi critical thinking, nhìn nhận vấn đề khách quan, từ đó mà tranh luận nhiều vấn đề lớn nhưng không xảy ra xung đột. Bên cạnh đó, đây không phải là điều dễ dàng làm ngay được. Cũng cần những giải pháp ngắn hạn để giải quyết nó.

1. Luôn luôn “ĐỒNG Ý”

Khi một ai đó đưa ra quan điểm của họ, bạn hãy luôn đồng ý. Nên nhớ, “ĐỒNG Ý” trong ngoặc kép ở đây không phải là bạn luôn luôn đồng ý với mọi thứ họ nói, mọi thứ họ làm, ngay cả khi nó sai. Đồng ý ở đây là đồng ý quan điểm của họ. Ví dụ, A nói một quan điểm ngay cả khi sai. Bạn không vội phán xét, không vội ngay lập tức đưa ra ý kiến của mình. Hãy nói “Tôi đồng ý với quan điểm của anh”. Khi chúng ta thể hiện điều này, về mặt tâm lý con người ta có nhu cầu được ghi nhận ý kiến của mình. Và bạn đang gửi ra một thông điệp rằng “Cho dù anh có bất kỳ quan điểm gì, thì tôi vẫn đồng ý – tức chấp nhận việc anh đưa ra quan điểm đó, tôi không phán xét con người anh, và tôi đang tôn trọng anh, tôn trọng ý kiến của anh”.

“ĐỒNG Ý” là đỉnh cao của sự lắng nghe. Nhiều sách phát triển bản thân dạy chúng ta phải lắng nghe, nhưng trong tâm lý và kĩ năng COACHING chuyên nghiệp, những chuyên gia về tâm lý – đặc biệt là tâm lý ứng dụng hiểu được một điều rằng: lắng nghe cũng có nhiều loại, và loại tệ nhất trong lắng nghe, đó là lắng nghe giả vở. Khi bạn nghe mà không thực sự nghe, phớt lờ ý kiến người khác thì rõ ràng họ không cảm nhận được sự tôn trọng. Vậy, lắng nghe nghiêm túc và đồng ý quan điểm của người nói là ưu tiên số một trong nghệ thuật ĐẮC NHÂN TÂM.

2. Thay vì NHƯNG MÀ, hãy dùng BÊN CẠNH ĐÓ

“Nhưng mà như thế này thì… Nhưng mà như vậy thì… Nhưng mà…”. Khi bạn nói NHƯNG MÀ, về mặt tâm lý bạn đang gửi đi một thông điệp rằng “Tôi đang phủ nhận ý kiến của anh” – bởi vì NHƯNG là từ mang hàm nghĩa đối lập. Trong một cuộc tranh luận cũng thế, khi bất đồng quan điểm, nếu bạn dùng NHƯNG MÀ, rõ ràng bạn lại càng đang thể hiện rằng mình không đồng ý với họ. Nếu như ở trên đã nói về việc luôn “ĐỒNG Ý” về quan điểm của họ, hãy dùng tiếp “BÊN CẠNH ĐÓ”. Ví dụ “Tôi đồng ý với quan điểm của anh về việc này khi anh cho rằng xyz”. “Bên cạnh đó, tôi thấy có một vấn đề là như này – vấn đề abc nó đối lập với xyz”. Việc bạn dùng “Bên cạnh đó” gửi cho người đối diện thông điệp rằng “Tôi đã đồng ý quan điểm của anh, ngoài ra có một quan điểm khác nó như sau.” Và quan điểm đó ngay cả khi đối lập quan điểm của người đối diện, họ vẫn cảm thấy thoải mái vì họ luôn được đồng ý và chấp nhận, từ đó có một cái đầu mở để lắng nghe ý kiến.

3. Chưa đủ thông tin … chưa kết luận

Chúng ta dễ phán xét khi nhìn thấy một hành vi hay nghe một quan điểm, tuy nhiên có thể chúng ta chưa có đủ thông tin. Khi đưa ra ý kiến cá nhân, chưa đủ thông tin sẽ dễ kết luận sai lầm. Vì vậy, trong tranh luận, khi thấy có một quan điểm gì đó mà bạn bất đồng, hãy hỏi lý do “Vì sao bạn lại nghĩ như này?” Việc kết luận nhanh không chứng minh rằng bạn thông minh, nhưng việc có đủ thêm thông tin để kết luận giúp bạn khách quan và ra quyết định đúng. Ví dụ A tranh luận với B về việc B vượt đèn đỏ. Thay vì vội vàng kết luận B là thiếu ý thức, hãy lấy thêm thông tin. “Có chuyện gì khiến B vượt đèn đỏ vậy?” Giả sử B trả lời “Vì bạn B bị tai nạn vào viện, B phải vào thăm nó gấp”. Sau đó A hãy kết luận “À, trong hoàn cảnh này, lý do của B là chính đáng, tức là lo cho bạn của mình. Tuy nhiên, cách làm thì sai: vì vi phạm luật giao thông, đồng thời có thể lo quá mà lỡ phóng nhanh phóng vội dễ gây nguy hiểm. Vậy thì lần sau, hãy cứ bình tĩnh và nhớ là đừng vi phạm luật giao thông”. Một sự kết luận đầy đủ thông tin làm cho người đối diện sẽ tâm phục khẩu phục.

4. Tư duy hướng giải pháp: Phải có cả ngắn hạn và dài hạn

Nếu như ở trên đã nói: Điều quan trọng không phải ai sai ai đúng mà là cái gì đúng. Vậy, sau kết quả của một cuộc tranh luận, điều quan trọng không phải là để nó xảy ra xung đột và chứng minh rằng ai đúng ai sai, quan trọng là phải đưa ra được giải pháp để giải quyết vấn đề. Giải pháp ở đây có thể là một tư duy mới để sửa lại tư duy sai, một hành động mới hướng giải quyết được vấn đề cho nó trở lên tốt hơn. Chẳng hạn sau khi A và B tranh luận, “Vậy bây giờ chúng ta rút ra được điều gì?” “Vậy giải pháp của chúng ta là gì?” “Vậy thỏa thuận của chúng ta là gì?”. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm là sẽ có những vấn đề tranh luận không thể đưa ra ngay giải pháp dài hạn để giải quyết nó, thì cần đưa ra cả những giải pháp ngắn hạn. “Vậy giải pháp lâu dài là gì?” “Chúng ta đồng ý giải pháp lâu dài đó, thế có cách nào để giải quyết nó ngay trước mắt không?”

Như vậy, bài này phần nào đưa ra lập luận về tâm lý “chiến hoặc biến”, cũng như đưa ra hướng giải pháp dài hạn và ngắn hạn để giải quyết tranh luận, xung đột cũng như các kỹ năng đắc nhân tâm giúp chúng ta có được cuộc sống nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn.

P.S Bài viết cũng là một sản phẩm mà tác giả lồng ghép vào các kiến thức và kỹ năng về Crtical Thinking cũng như kỹ năng ĐẮC NHÂN TÂM một cách đơn giản và dễ hiểu hơn dưới góc nhìn của tâm lý học ứng dụng.

Theo: Blog Tâm Lý

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA compliant image DMCA.com Protection Status